Le Minh Duc

On The Way

  • Meta

  • Categories

  • Usefull links

  • Interesting Photos

Nhà chế tạo học lớp 9

Posted by LE MINH DUC on October 11, 2005

Ông Huỳnh Thái Dương và chiếc máy bứt củ lạc của mình

TTCN – Xong phần phát biểu của các đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước lần 7 vừa qua, ông Lê Thanh Hải – chủ tịch UBND TP.HCM – bước đến bắt tay một người nông dân đến từ Bình Thuận và nói rằng:

“Anh làm cái này thì các nhà khoa học VN đều đau đầu hết đây”. “Cái này” mà ông Hải nhắc đến chính là cỗ máy bứt củ lạc (đậu phộng) của ông Huỳnh Thái Dương vừa được Sở Khoa học – công nghệ Bình Thuận nghiệm thu thành công.

Gặp chúng tôi tại Chợ thiết bị công nghệ Techmart vừa qua, ông Dương nói: “Báo Tuổi Trẻ từng đăng bài về chiếc máy tách hạt bắp của tôi, nhưng chiếc máy bứt củ lạc này mới đúng là bí quyết nhà nghề”. Nói xong ông cười rạng rỡ. Trong bóng chiều của phiên chợ công nghệ giữa Sài Gòn, cỗ máy bứt củ lạc cồng kềnh đã thu hút rất nhiều khách hàng đến tham quan và ký hợp đồng đặt hàng.

Củ lạc nhỏ nhưng phát minh thì lớn

“Tôi nhận thấy một trong những công đoạn vất vả của người nông dân là phải dùng đôi tay để làm việc thủ công đơn điệu là lặt đậu phộng. Cây đậu phộng nhổ lên, không còn cách nào khác là phải dùng tay lặt củ đậu ra khỏi thân cây, vừa nhọc công, vừa tốn thời gian. Từ thành công của chiếc máy tách hạt bắp, tôi nung nấu ý nghĩ chế một cỗ máy lặt đậu phộng để giải phóng đôi tay người nông dân khỏi một việc nữa”.

Đầu năm 2005, được Sở Khoa học – công nghệ tỉnh Bình Thuận hỗ trợ 40 triệu đồng (coi như đề tài khoa học thuộc sở quản lý), ông Dương bắt tay nghiên cứu việc chế máy “lặt đậu phộng” – theo cách gọi của dân quê huyện Hàm Thuận Bắc.

Chế tạo máy bứt củ lạc khó hơn máy tách hạt bắp nhiều. Để tách hạt bắp ra khỏi cùi bắp chỉ có một yêu cầu là làm sao cho hạt bắp tách khỏi cùi. Còn củ lạc thì rắc rối hơn. Củ lạc gắn với thân cây bằng một đoạn cuống. Mà yêu cầu là bứt củ lạc tách rời thân cây nhưng không kèm theo cuống. Đã vậy, củ lạc có hai lớp vỏ, vỏ ngoài mỏng dễ vỡ, lớp vỏ lụa bên trong cũng quan trọng.

Vấn đề đặt ra cho máy bứt củ lạc là không làm vỡ vỏ ngoài, đồng thời cũng không được làm dập vỏ trong, vì nếu vỏ lụa bị dập sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hạt đậu khi bảo quản. “Tôi ngồi suy nghĩ hàng tháng trời, vẽ thiết kế các trục quay, cánh quạt đập, tính toán các mâm sàng…. Đến khi thử thì củ lạc bị bứt ra khỏi thân cây nhưng kéo theo cả chiếc cuống dài. Như thế thì kém hơn lặt đậu bằng tay. Lại phải tính toán để làm lại. Bằng mọi giá phải đạt được yêu cầu bứt củ lạc ra khỏi cuống, chứ không dừng lại ở chỗ bứt cả củ lạc và cuống ra khỏi thân cây”.

Yêu cầu tưởng như đơn giản ấy đã khiến các nơron thần kinh trong đầu một nhà nông trình độ học vấn lớp 9 hoạt động với hiệu suất không ngờ. Làm sao cho máy hiểu được rằng cần bứt củ lạc ra khỏi cuống chứ không thể bứt bừa cả củ lẫn cuống ra khỏi thân cây? “Câu hỏi ấy thôi thúc tôi, đây là một mấu chốt để khẳng định mình có làm được hay không. Có đêm đang nằm ngủ chợt nghĩ ra một ý hay, lại bật dậy, ra soi đèn loay hoay với cỗ máy; có đêm bực mình quá leo lên ngồi trên cỗ máy, suy nghĩ đến hút gần hết hộp thuốc lá mà không hay”.

Giải phóng đôi tay nông dân

“Tôi xem đi xem lại các yêu cầu: bứt sạch củ không sót, bứt củ bỏ cuống, bứt không vỡ vỏ ngoài không dập vỏ trong, bứt xong cho ra củ lạc không lẫn tạp chất. Mày mò mãi cuối cùng tôi kết hợp giải quyết hai yêu cầu bứt sạch củ và không vỡ vỏ trong cùng một nguyên lý, còn yêu cầu bứt không dính cuống phải suy nghĩ thử đi thử lại rất lâu sau mới thành công”.

Ông Dương vừa nói vừa kéo cửa lùa của chiếc máy, giới thiệu hệ thống mâm sàng được ông thiết kế khiến củ đậu phộng nằm ở tư thế nào cũng có thể lọt được xuống sàng. Chiếc máy được thiết kế có đầu kéo, năng suất đạt 2 – 2,5 giờ/ bứt hết 1ha đậu, tỉ lệ thất thoát (vỡ vỏ, hao hụt…) hiện nay là 0,3%. Năng suất này tương đương với 80 người cùng làm việc.

Anh Nguyễn Văn Trung – cán bộ Sở Khoa học – công nghệ Bình Thuận – kể chuyện sau bảy lần thử nghiệm để chế tạo chiếc máy bứt củ lạc, tháng 8-2005, khi ông Dương tuyên bố chế tạo xong và kêu gọi Sở Khoa học – công nghệ Bình Thuận nghiệm thu. Ông giám đốc sở sau khi xem xong mẻ bứt củ lạc đầu tiên đã vui mừng thốt lên: “Máy này bứt sạch đến 120%”.“Nói vậy chứ tôi còn phải cải tiến nhiều hơn nữa.

Với tôi, mỗi lần cho ra đời chiếc máy sau phải có chỗ cải tiến so với chiếc máy trước. Hiện nay, với nông dân thì chiếc máy này đã hoàn hảo lắm rồi, nhưng tôi nhận thấy củ lạc bứt ra còn lẫn tạp chất nhiều, phải làm sao thổi sạch rác hơn nữa thì tốt” – ông Dương nói.

Cuối cùng ông Dương từ chối tiết lộ bí quyết nào giúp ông khiến cỗ máy có thể thay thế tay người bứt củ lạc và chừa cuống lại. Ông nói: “Hiện nay tôi chỉ mới bán có bốn chiếc máy, tôi tin rằng dẫu ai đó tháo tung chiếc máy tôi ra để tìm hiểu công nghệ thì vẫn khó có thể nắm được hết tất cả bí quyết. Nhưng dù sao thì công nghệ vẫn là bí mật”.

Ông Dương cho biết thêm trong lần gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, “mấy anh bên Cục Cơ điện của bộ nói ngay cả Ân Độ cũng chưa chế tạo được máy bứt củ lạc. Còn Đài Loan hiện có máy nhổ và bứt củ lạc liên hợp nhưng giá rất đắt (so với tiền Việt, một bộ máy của Đài Loan khoảng 600 triệu đồng), trong khi trọn bộ cỗ máy của tôi có cả đầu xe kéo chỉ 38 triệu đồng”.

Tuy nhiên, chiếc máy của ông Dương chỉ thực hiện việc bứt sau khi đậu đã được nhổ lên. Trong tương lai, ông đang suy nghĩ đến việc chế tạo một chiếc máy nhổ và bứt đậu liên hợp. Chiếc máy bứt củ lạc của ông Dương đã giúp ông đoạt giải nhất Hội thi Nhà nông sáng tạo toàn quốc 2005. Và tôi tin ông có thể làm tốt hơn thế.

LAM ĐIỀN

Leave a comment